Powered by Blogger.
RSS

Sonata ánh trăng

Ánh trăng đi về đâu trong đêm thanh vắng? Ánh trăng trải lòng ai những phút cô đơn? Trăng rơi trên sông một nỗi buồn cô độc, đẹp mà bí ẩn, xa xôi và đau đớn. Ai đã một lần nghe ánh trăng rót vào lòng như từng giọt buồn rơi qua bản sonata không bao giờ cũ với thời gian, để thấy sóng lòng cuộn dâng, khi êm ái thiết tha, khi mãnh liệt tuôn trào, khi khắc khoải và khi òa vỡ một nỗi niềm không thể gọi tên?

Bạn đã bao giờ nghe chưa, bản sonata cho piano số 14 của Beethoven ấy, mà sau này được phổ biến với cái tên "Sonata ánh trăng"? Hãy nghe đi, và sẽ thấy, trăng không chỉ là trăng, trăng tràn ngập cả một cõi lòng đang dậy sóng.

Nhà thơ Ludwig Rellstap quả là có lý khi đặt tên cho bản giao hưởng này là "Sonata ánh trăng" để diễn tả tiếng nhạc tựa như "ánh trăng tỏa trên mặt hồ". Nghe chương nhạc đầu tiên của bản sonata này, có thể hình dung ra một thứ ánh sáng bàng bạc đang dịu dàng lan tỏa – một sự lãng mạn nhẹ nhàng.

"Sonata ánh trăng" có ba chương tất cả: Adagio Sostenuto, Allegretto, và Presto Agitato. Cả ba chương là sự hòa quyện của những thang bậc cảm xúc khiến tôi liên tưởng đến một câu thơ của Xuân Quỳnh: "dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ". Chương một được viết dưới hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi, tha thiết mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là "lời than vãn", gợi lên một thứ tình cảm dịu êm như ánh trăng tan trên mặt hồ lặng sóng, khiến người nghe lắng mình vào thế giới của giấc mơ và hồi ức. Chương hai là phần minuet và trio tương đối truyền thống, mang nhịp điệu nhanh hơn như ánh trăng đang mải miết theo dòng chảy của sông dài, gieo vào lòng người một niềm linh cảm có điều gì đó dữ dội sắp xảy ra. Chương cuối được viết ở hình thức sonata sôi nổi với nhiều hợp âm rải nhanh và âm nhấn mạnh mẽ, thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội như ánh trăng vỡ ra trên mặt nước cuồn cuộn sóng giữa trời giông tố, nghe mà cảm giác như chính mình đang vật lộn với cuồng phong. "Sonata ánh trăng" chứa đựng nỗi buồn đau nhưng không tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lột tả được khát vọng hướng đến một điều gì đó tốt đẹp hơn từ trong đau khổ.

Dường như "Sonata ánh trăng" nghe hay hơn trong đêm, và đó phải là một đêm thanh vắng. Khi tiếng dương cầm vang lên là cả không gian và thời gian ngưng đọng lại. Tôi lặng lẽ chiêm ngưỡng cái đẹp u uẩn của một cuộc tình cô liêu thấm đẫm ánh trăng. Ôi, ánh trăng… Ánh trăng phủ trên mặt nước lấp lánh sáng, ánh trăng len qua vòm lá đẫm sương đêm, ánh trăng đổ xuống một căn gác buồn cô tịch, ánh trăng đọng lại trong một đôi mắt dõi theo phía chân trời… Kìa một đôi tay chìa ra đón lấy ánh trăng như hứng lấy cả một trời hy vọng.

Beethoven sáng tác bản Sonata cho piano số 14 năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Sau khi Beethoven qua đời vài năm, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc này được mọi người biết đến dưới cái tên "Sonata ánh trăng".

"Sonata ánh trăng" huyền ảo quá, và ngay cả sự ra đời của nó cũng có thật nhiều giai thoại. Sau đây là một giai thoại nổi tiếng về xuất xứ của bản nhạc bất hủ này.

Năm 1801, Beethoven đang sống ở kinh đô âm nhạc thế giới là thành Vienna – thủ đô nước Áo. Để trang trải khó khăn trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc sáng tác, Beethoven còn dạy nhạc cho con gái các nhà quý tộc. Beethoven xấu trai nhưng mang một trái tim nghệ sĩ đa tình. Ông đem lòng yêu say đắm một học trò của mình là Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ dường như cũng biết được điều đó nhưng chỉ im lặng khiến Beethoven càng thêm hy vọng. Thế nhưng, tình cảm ấy của Beethoven đã bị cự tuyệt khi ông ngỏ lời với Giulietta dưới vòm hoa nhà nàng vào một buổi tối sau khi dạy xong. Tuyệt vọng và đau đớn, đêm hôm đó Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng, Beetthoven như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng với nước sông Danube lấp lánh huyền ảo. Thành Vienna đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mảnh tình đơn phương đang đứng cô độc giữa đất trời thấm đẫm ánh trăng. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên xa vắng, tiếng đàn như hút hồn dẫn bước chân Beethoven đi một cách vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Ở đó chỉ có người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi dương cầm. Người cha đau khổ bảo Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất suốt cuộc đời là được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản dị ấy. Xúc động trước tình cảm của người cha dành cho con gái và ngạc nhiên trước tiếng dương cầm thánh thót của người thiếu nữ mù, Beethoven ngồi vào cây đàn và bắt đầu chơi. Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng sông Danube. Dường như không còn cuộc sống vất vả với những lo toan thường nhật, không còn những mảnh đời đau khổ, những bi thương tuyệt vọng mà chỉ còn một thế giới huyền ảo, lung linh như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên trong ánh trăng, thấm đẫm trong ánh trăng, dạt dào trong ánh trăng, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng bứt ra khỏi lời nguyền của số phận.

Tôi nghe "Sonata ánh trăng" nhiều lắm rồi, nhưng vẫn không bao giờ chán. Mỗi lần nghe là một lần trải nghiệm với vẻ đẹp mê đắm và khao khát mãnh liệt giữa tận cùng bát ngát ánh trăng.

 
10.2007

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

4 nhận xét:

Anonymous said...

Em có cùng cảm xúc với chị về bản nhạc này. Hồi bé em còn nhờ bố thu vào băng catxet, lúc bật lên là 2 tay bịt 2 tai và nhắm mắt để mơ màng ...:D

Doanh Doanh said...


vé máy bay eva air
mua ve may bay eva di my
korean airline vietnam
book vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada giá rẻ
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich




Thiết bị hội thảo said...

Bài viết rất hay

Am thanh hoi truong Viet hung audio said...

bài rất tuyệt vời

Post a Comment