Powered by Blogger.
RSS

Xứ sở bạch dương - Phần 11: Lắng mình ở phố Arbat

Arbat là con phố cổ ở Moscow đã được hình thành hơn 5 thế kỷ. Bây giờ, Arbat là phố đi bộ nổi tiếng đến mức du khách luôn được căn dặn "đã đến Moscow là phải đi Arbat". Thành phố đã cho xây thêm một tuyến Arbat mới song song với con phố cổ để khai thác hết vẻ đẹp tiềm năng mang đầy bản sắc của một nước Nga nghệ thuật và cổ kính.


Phố Arbat lần đầu tiên được nói tới vào năm 1493 và từ đó tới nay, đã có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời của cái tên này. Có thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ tiếng A rập "arbad" có nghĩa là ngoại ô, do các thương gia phương Đông đã mang đến khu phố nhỏ. Cũng có thuyết cho rằng nó được lấy từ "arba" có nghĩa là xe kéo của người Tatar - phương tiện đi lại một thời trên con phố cổ xưa. Cá nhân tôi thì nghiêng về giả thuyết thứ hai nhiều hơn.

Trải qua mấy thế kỷ, Arbat ngày càng sầm uất và trở thành một nơi qua lại nhộn nhịp mang đậm bản sắc văn hóa Nga. Có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng ở phố này như Pushkin, Gogol, Tolstoy, Chekhov... Ở đây, du khách có thể ngắm tranh, mua đồ lưu niệm, xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật của nước Nga xưa và nay. Các thể loại sách và tranh cũng được bán rất nhiều ở con phố này, mang đậm bản sắc văn hóa Nga.



Ở Arbat cổ vẫn còn giữ nguyên những viên đá lát đường có tuổi đời hàng thế kỷ. Đây là nơi tập trung rất nhiều nghệ sĩ tự do, họ đến vừa để mưu sinh vừa để tìm cảm xúc thăng hoa ở nơi vẫn còn lưu lại dấu vết thời gian. Đi dạo trên phố, tôi bắt gặp giữa dòng người qua lại đông đúc là những cô gái trong trang phục cổ truyền, những nghệ sĩ thổi kèn, hay nhóm họa sĩ vẽ chân dung lấy liền. Tôi cũng ngồi làm mẫu chừng 30 phút để vẽ một bức chân dung với giá 1000 rub (khoảng 350k VNĐ).




Arbat có rất nhiều cửa hàng lưu niệm. Matryoshka ở đây đẹp đến mức tôi chỉ muốn mua hết đem về nhà chưng, nhưng, hãy cẩn thận nhé, giá nào cũng có, những bộ bắt mắt quy ra tiền Việt thì từ mấy triệu đến mấy chục triệu đồng, chứ không bình dân như ở khu chợ lưu niệm Izmailovo Vernissage.





Phố Arbat cổ còn là nơi lưu giữ kỷ niệm về nhà thơ Pushkin - người được mệnh danh là "mặt trời thi ca Nga". Chính ở con phố này ông đã chung sống cùng người vợ xinh đẹp Natalia Goncharova trước khi xảy ra cái chết định mệnh vì đấu súng. Bức tượng bằng đồng của thi sĩ và vợ như tái hiện lại cảnh hai vợ chồng đang nắm tay nhau hạnh phúc đi trên phố cổ êm đềm.


Trong hình là chị gái cùng đi với tôi đang đứng trước căn nhà mà Pushkin từng ở:


Arbat cổ gợi cho tôi câu chuyện về một cuộc tình đẹp nhưng không kém phần bi thảm. Kể từ khi gặp Natalia Goncharova lần đầu tiên trong một vũ hội khi nàng mới 16 tuổi, Pushkin đã bị hút hồn trước vẻ đẹp thanh tao và cổ điển của nàng. Cuộc tình hai người khá là trắc trở, nhưng rốt cuộc, chàng đã làm đủ mọi cách để có thể "rước nàng về dinh" tại một căn hộ ở Arbat vào năm 1831, dẫu rằng trong hôn lễ, cây thánh giá và quyển thánh kinh đã bất ngờ rơi xuống, cả một chiếc nhẫn cũng bị rơi đúng khoảnh khắc hai người trao nhẫn và ngọn nến bị tắt - tất cả như điềm báo trước về hạnh phúc ngắn ngủi và số phận nghiệt ngã của nhà thơ. Sáu năm bên nhau, Pushkin và Natalia có với nhau đến bốn người con, nhưng Natalia vẫn vô cùng xinh đẹp. Sắc đẹp của Natalia - theo bạn bè và cả những thượng khách của Pushkin mô tả là cực kỳ quyến rũ, "như một pho tượng mĩ nữ trong bảo tàng Louvre".

Pushkin biết tất cả những tình cảm thầm thương trộm nhớ lẫn ánh mắt ngưỡng mộ mà giới nghệ sĩ, quý tộc và thậm chí cả sa hoàng Nikolai Đệ nhất dành cho vợ mình, nhưng mọi chuyện chỉ trở nên rắc rối khi Dantes xuất hiện, với tình cảm quá lộ liễu và khiêu khích dành cho Natalia như một sự xúc phạm nhà thơ, đến nỗi Pushkin đã phải gọi anh này ra đấu súng. Định mệnh đã an bài, Pushkin trúng đạn và qua đời năm 1837 khi mới 38 tuổi, để lại một sự nghiệp văn học và thơ ca tuy đồ sộ nhưng vẫn còn dang dở. Trước khi chết, Pushkin vẫn không hề trách móc vợ: "Em cứ yên tâm, em không có lỗi gì cả." Cái chết của Pushkin khiến Natalia bị suy sụp và ám ảnh. Mặc dù Pushkin căn dặn nàng để tang chồng 2 năm rồi tái giá, nhưng Natalia đã khước từ mọi lời cầu hôn cho tới khi gặp Lanskoi 7 năm sau đó, vì ông đồng ý bảo bọc 4 người con của nàng với Pushkin.

Đây là chân dung Natalia Goncharova do họa sĩ Alexander Brullov vẽ. Quả thực là tôi cũng cảm thấy "rung rinh", nói chi đến tâm hồn lãng mạn như Pushkin. :)


So với Arbat cổ, Arbat mới và những tuyến đi bộ quanh đó rộng hơn, rực rỡ hơn và khang trang hơn, nhưng hơi thiếu cảm giác xưa cũ mà tôi vẫn gọi là "hồn thu thảo".Tuy vậy, đi bộ giữa "trái tim Moscow", nghỉ chân ăn kem, ngắm tranh trên đường phố, vui đùa cùng chim bồ câu, tham quan các công trình kiến trúc như điện Kremlin, nhà thờ thánh Basil, nhà thờ Chúa cứu thế hay ngắm nhìn dòng Moscow êm đềm chảy cũng là những trải nghiệm hết sức tuyệt vời. Tôi sẽ có một bài riêng về các địa điểm cần tham quan ở chốn này.



  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS