Powered by Blogger.
RSS

Xứ sở bạch dương - Phần 13: Nhìn về lịch sử

Tôi sẽ bắt đầu một thoáng nhìn về lịch sử với cuộc Chiến tranh Vệ quốc của quân đội Nga chống lại quân đội "bách chiến bách thắng" của Napoleon mà nhân vật nổi bật là nguyên soái Kutuzov. Đây là tượng vị danh tướng đã đập tan uy lực của Napoleon.


Cuộc chiến có tên là Borodino - tên của ngôi làng cách Moscow khoảng 125 km được lấy làm phòng tuyến.  Bảo tàng Bức tranh tròn là nơi tái hiện sinh động cuộc chiến này.


Tác phẩm trung tâm của Bảo tàng Bức tranh tròn - đúng như tên gọi của nó - chính là bức tranh của họa sĩ Pháp Frans Rubo treo trên tường tòa nhà hình tròn để người xem có thể ngắm 360 độ. Bức tranh dài 115m và rộng 15m, thể hiện trận chiến Borodino của nguyên soái Kutuzov chống lại Napoleon. Bảo tàng đem lại cho tôi một cảm giác rất thật, kiểu như đang hòa mình vào chiến trường. Bước lên cầu thang đã cảm nhận tiếng vó ngựa dưới chân, và khi vào phòng chính liền nghe thấy mùi thuốc súng. Bức tranh được kết nối với cảnh vật thật như chiến trường, những cỗ pháo và tòa nhà cháy dở..., tạo nên khung cảnh rất sống động và chân thực.








.
Một số hiện vật và tư liệu lịch sử khác trong bảo tàng:











Và khải hoàn môn Kutuzovsky chính là biểu tượng chiến thắng của nước Nga sau cuộc chiến đau thương này.


Địa điểm khám phá lịch sử tiếp theo mà tôi đến là quần thể công viên - quảng trường - bảo tàng chiến thắng. Hôm đó là một ngày gió nhẹ và lá có chút đổi màu, tưởng như sắc thu đang về trên đồi Poklonnaya.


Đồi Poklonnaya là ngọn đồi lịch sử, nơi đặt đài tưởng niệm để tôn vinh chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Tên ngọn đồi có nghĩa là "Cúi chào", bởi từ đây du khách có thể nhìn thấy thành phố và cúi chào. Năm 1812, Napoleon đã đứng chờ ở đây để nhận chìa khóa mở cổng thành Moscow. Đây cũng là đường ra mặt trận của hàng triệu binh sỹ trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (một phần cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai của Liên Xô chống lại Đức quốc xã và các đồng minh ở mặt trận phía Đông từ năm 1941 đến 1945, khác với cuộc chiến tranh Vệ quốc chống lại quân đội Napoleon).

Công viên Chiến thắng trên đồi Poklonnaya rất rộng và xanh mát. Hè đã dần qua nhường cho những tán lá chớm đỏ vàng làm cảnh vật càng thêm thơ mộng.






Bảo tàng Chiến thắng nằm trong quần thể này là một bộ sưu tập khổng lồ về cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại với vũ khí và thiết bị quân sự, quân trang và huân huy chương, tranh ảnh tư liệu và nhiều sách quý. Mỗi phòng của bảo tàng tái hiện một trận đánh có âm thanh đi kèm rất là sống động.



Bên ngoài, trong phạm vi công viên và quảng trường Chiến thắng, có rất nhiều đền tưởng niệm và tượng đài cho những người đã bảo vệ đất Nga.





Phải nói là mấy cây thông đẹp "tê tái". :)


Đài phun nước ở Quảng trường Chiến thắng (về đêm những đài phun nước này được chiếu đèn màu rất đẹp):



Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Đại học Quốc gia Moscow (viết tắt là MGU), với tòa nhà chính mang tên Lomonosov (nên mọi người vẫn gọi là đại học Lomonosov) tọa lạc trên đồi Chim sẻ. Đây là đại học lớn và lâu đời nhất ở Nga, được thành lập từ năm 1755, đến nay đã vinh danh 11 nhà khoa học được giải Nobel và 5 nhà toán học được giải thưởng Fields. Trường được thành lập theo sắc lệnh của nữ hoàng Elizaveta (con gái của sa hoàng Piotr Đại đế và hoàng hậu Ekaterina - sau là nữ hoàng Ekaterina đệ nhất).

Khuôn viên đại học cực kỳ rộng và cảnh quan trong trường cũng rất xanh tươi, thơ mộng. Có rất nhiều đồn đại về việc xây dựng MGU, chẳng hạn như có thuyết cho rằng tòa nhà chính của trường có nhiều tầng hầm với dãy hành lang dài nằm sâu trong lòng đất; rằng tòa nhà này được thiết kế để nếu bị đánh bom sẽ không sập xuống dưới mà đổ về phía đồi Chim sẻ; rằng các tầng dưới của tháp trung tâm đã được tính toán để có thể chịu được cuộc tấn công hạt nhân...


Đại học MGU về đêm rất đẹp, trông xa như một cung điện rực sáng:


Và cũng rất thơ mộng khi nhìn từ sông Moscow:


Phần sau, chúng ta cũng nhìn về lịch sử nhưng là của nước Nga sa hoàng thời Ekaterina Đại đế ở một nơi êm đềm và thơ mộng hơn: công viên Tsarisino.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS