Powered by Blogger.
RSS

Một mảnh cầu vồng

Lấy tiêu đề một mẩu chuyện giáo dục trong cuốn "Con sẽ nên người" của L.P. Ôxtơrốpxcaia để làm tên bài viết bởi thấy thích cách nhìn trong trẻo của trẻ thơ. Một câu chuyện rất giản dị nhưng thật đáng suy ngẫm, mình xin post lại.

*****

Một tốp học sinh mẫu giáo nhộn nhịp đổ ra vườn khi trời tạnh mưa. Cơn dông đã qua và vạn vật lại trở nên sáng sủa, ấm áp dưới ánh mặt trời.

- Các cháu thử nhìn xem vườn cây của chúng ta có gì thay đổi không nào? Cô giáo cất tiếng hỏi các em học sinh của mình.

- Có gì đâu ạ? Tất cả vẫn như lúc nãy, cũng có ánh mặt trời ấm áp - một em bé thiếu óc quan sát nói.

Sao lại thế được! Nhiều tiếng nói vang lên đồng loạt: làm sao có thể không nhận ra vũng nước trong, lớp cỏ ướt, chiếc cầu vồng, những giọt nước nhỏ từ trên cây rơi xuống, và bầu trời xanh lơ còn vương vấn một đám mây đen đang bay xa dần! Các em tiếp tục quan sát và nhận xét:

- Cây cối được tắm rửa trở nên vui vẻ hơn!

- Vũng nước trong quá, cô ạ!

- Mái nhà bóng lên như vừa được quét sơn...

- Mây đen u ám đã tan, cô kìa!

- Eo ơi, giun đất bò ra nhiều quá này!

Và đột nhiên, từ sau một bụi cây, vang lên giọng nói sửng sốt:

- Các bạn ơi! Tôi có cái này hay lắm cơ! - Bé gái Lêna từ từ bước ra, hai bàn tay khum khum nâng niu như sợ đánh đổ mất cái "hay lắm" ấy - Tôi mang lại cho các bạn xem đây. Các bạn nhìn này, tôi có một mảnh cầu vồng! Lại đây mà xem! - Trong lòng bàn tay Lêna có một chiếc lá cây tân lê, trên mặt lá chỉ có một giọt nước mưa đang long lanh, lung linh dưới ánh mặt trời, tưởng chừng đó là một mảnh cầu vồng.

Đối với nhiều thứ nhìn thấy quanh mình, trẻ em coi chúng như một cái gì hết sức bình thường, hiển nhiên, các em không nhận ra vẻ đẹp quanh mình giống như chúng ta không để ý rằng ta đang hít thở không khí vậy... Do đó nhiều điều bị các em bỏ qua vô ích.

Cuộc sống của trẻ em trở nên nghèo nàn, nếu các em không biết cách nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên. Thế giới sẽ thú vị, hấp dẫn biết bao, nếu ta biết nhìn thấy vẻ đẹp của nó! Bằng cách biểu lộ và truyền sang các em thái độ của mình đối với hiện tượng tự nhiên, chúng ta sẽ dạy cho các em biết cách chú ý đến những điều cần thiết và đẹp đẽ.

Chẳng hạn, các em đang quan sát những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân. Cô giáo bèn đọc cho các em nghe một bài thơ của I. X. Nikitin:

Ta hãy ngắm, kìa mùa xuân đang tới,
Dập dìu bay bao đàn sếu lưng trời.
Và ngày xuân chìm trong ánh vàng tươi,
Những dòng suối rì rầm trong khe núi...

Đến cuối tuần, khi các em đi hái quả trong vườn cây của trường, làm sao có thể quên bài thơ của X. Ia. Macsac:

Đã tháng tám rồi
Ta đi hái quả
Bao nụ cười tươi
Và bao hể hả.
Lòng người sướng vui
Nhớ khi vất vả.

Ấn tượng của trẻ em sẽ trở nên đầy đủ và rõ ràng hơn, nếu chúng ta biết kịp thời và đúng lúc gợi lại một bài thơ hay một bài hát, vì những hình tượng giàu chất thơ của chúng bổ sung cho việc cảm thụ bằng mắt. Các em chú ý tới thế giới xung quanh hơn và sẽ nhận ra những gì trước đó bị bỏ qua.

*****

Hồi Anh Thi 3 tuổi, con gái được về quê nội chơi đúng vào mùa lúa chín. Chuyến đi chơi năm ấy cũng là ký ức đẹp của mình chứ không riêng gì con gái. Tháng 10, xứ Bắc vào thu, gió heo may nhẹ nhàng thoảng mùi hương lúa chín. Dạo ấy là mùa gặt, đi đâu cũng thấy những bãi lúa phơi vàng, những đụn rơm chất đống trong các sân nhà, lúa nếp thì đương độ xuân thì, nếp non thơm phức. Con gái thích lắm, bởi ở SG, con chưa bao giờ được thấy một quang cảnh nên thơ và sống động đến thế. Một buổi chiều, con xòe bàn tay ra khoe với mẹ:

- Mẹ xem này, những đôi mắt vàng bé tẹo đang ngủ trên tay con.

Thì ra, đó là những hạt thóc vàng ươm đang sáng bừng dưới nắng thu tỏa trên bàn tay nhỏ nhắn của con.

Hình ảnh "những đôi mắt vàng bé tẹo" thật dễ thương qua cái nhìn của con gái và đó cũng là cảm xúc để mình viết bài thơ "Hạt thóc" cho con:

Ngủ ngoan hạt thóc
Lim dim đôi mắt
Đón giọt sương đêm
Mầm non nhú lên
Chào tia nắng mới.
Trời xanh vẫy gọi:
“Thóc dậy chưa nào?”

Dậy đi hạt thóc
Mở to đôi mắt
Khoác chiếc áo xinh
Khe khẽ cựa mình
Tươi xanh màu lá.
Gió xuân đon đả:
“Chào cô lúa non”
Tia nắng cười giòn:
“Để tôi sưởi ấm”...

Ô kìa hạt thóc
Khi gieo xuống đất
Vẫn còn bé thơ
Mấy tháng đợi chờ
Thành cô thiếu nữ.
Hương nồng ấp ủ
Tung ra đất trời
Nàng gió dạo chơi
Thổi làn hương tỏa.
Bông vàng óng ả
Dào dạt cánh đồng
Lúa tuốt từng bông
Bé xòe tay đón.

Nằm yên hạt thóc
Trên tay bé ngoan
Đôi mắt xoe tròn
Đón chào cuộc sống
Trời cao gió lộng
Hát bản tình ca
Thóc đi mọi nhà
Cho đời no ấm.

Trẻ con có tâm hồn dễ xúc cảm và giàu trí tưởng tượng, vấn đề là chúng ta có biết khơi gợi nguồn cảm xúc cho bé hay không mà thôi. Những lúc đưa con đi chơi, mình khuyến khích con lắng nghe những âm thanh cuộc sống, quan sát và cảm nhận những vẻ đẹp bình dị của đời thường, cũng như tự đặt vấn đề và giải đáp theo cách của mình. Này một quả khô đang lăn lông lốc, nó từ đâu mà lăn đến chân con vậy? Con có ngửi thấy mùi gì không? Có nghe thấy tiếng lá đang rì rào không? Mùa này nước sông lên cao, bèo nổi khắp nơi, con sông này có vẻ không giống với những con sông khi con về thăm quê nội và quê ngoại con nhỉ...

Khi con gái vào tiểu học, mình thường xuyên đọc được những đề văn kiểu như thế này: "Hãy tả về một người trong gia đình mà em yêu thích nhất"; tiếp sau đó là các câu hỏi gợi ý: 

1. Người em yêu thương nhất là ai?
2. Vì sao em yêu thương người đó?
3. Em sẽ làm gì để người đó vui lòng?

Và thế là sẽ có hàng loạt bài văn trả lời câu hỏi na ná như nhau: "Người em yêu thương nhất là mẹ. Em yêu mẹ vì mẹ đã sinh ra em, chăm sóc em và nuôi em khôn lớn. Em sẽ cố gắng ngoan ngoãn và học thật giỏi để mẹ vui lòng."

Những bài như thế được gọi là "văn", và nếu bé viết sạch đẹp, câu cú gọn ghẽ, đủ ý thì đương nhiên được 10 điểm.

Mình không phản đối kiểu gợi ý như thế, nhưng trong lòng vẫn thấy băn khoăn. Cái kiểu nặn ra một bài viết khuôn mẫu e là sẽ giết chết sự sáng tạo và làm nghèo tư duy của bé. Với trẻ con, hãy giúp bé mở rộng cánh cửa sổ tâm hồn, khuyến khích bé thổ lộ những cảm xúc chân thực nhất. Lời văn có thể non nớt, nhưng nếu nó là sản phẩm của óc quan sát tốt, của sự cảm nhận chân thực và tinh tế, giống như "một mảnh cầu vồng", thì rất đáng ngợi khen.

Khi mình nói con gái tả về một mùa hè của con, con hỏi: "không có câu hỏi gợi ý hả mẹ?" Mình nói: "mẹ không muốn bó buộc con trong một khuôn mẫu nào cả. Con hãy kể cho mẹ nghe đi, con đã "nhìn thấy" mùa hè của con có gì, hoặc con nghĩ mùa hè sắp tới của con có những gì?"

- Con đi thả diều, mẹ ạ. Nhà mình bên sông, gió lồng lộng thế này thì diều bay cao lắm. Mà khi diều bay cao, con sẽ ngửa cổ lên đón một bầu trời xanh, mẹ nhỉ. Phượng thì con nhặt cánh hoa xếp thành con bướm rồi ép sách như hồi trước mẹ chỉ cho con đó. Sài Gòn mùa này hay mưa rào, con sẽ canh me tắm mưa một bữa cho đã. Mưa làm lá cây xanh mướt, những vũng nước có nước chảy thành vòng tròn và nổi bong bóng, con xếp thuyền giấy thả chơi. Rồi con ra sông đếm cá rô nổi gần bờ. Con chỉ đếm thôi, chứ dạo này nước sông nhiễm mặn, cá uống nước có iod nhiều nên khôn quá chừng, không có chịu cắn câu. Con sẽ được đi chơi biển mùa hè nữa. Con về thăm ông bà ngoại, ở đó có biển cát trắng phau, nước trong nhìn thấy đáy, con nhặt những con ốc bé xinh để xâu vòng tặng cho các bạn. Con chăm sóc vườn cây của con nữa. Những chiếc lá xanh đọng nước do con tưới vào sẽ tươi suốt cả ngày mẹ ạ. Nếu lá biết nói chắc sẽ cảm ơn bạn Thi mỗi ngày đó.

Hihi, lan man và dồn dập, nhưng thật là vui.

Hôm kia, nghe con tâm sự thế này: "Làm chị thích hơn làm em mẹ ạ. Vì con được dạy em học, bày cho em chơi nè, nhưng mà quan trọng là con được chứng kiến em sinh ra đời như thế nào. Quan sát cũng phải có hoàn cảnh, chứ không phải cứ thích là được đâu."

Công nhận bà cụ non triết lý quá xá. :D

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS