Pages - Menu

Những đồ vật của ngày xưa

Hôm nay soạn mấy thứ trong nhà, nào là đồ của Mỹ, của Đức, của Pháp..., trông đẹp đẽ và tiện dụng, mới thấy thời nay sao mà sướng thế chứ, chả bù cho ngày xưa.

Nhưng nhớ lại những ngày xưa, lại thấy lòng hoài cổ. Ngày xưa với tuổi thơ trong ngôi nhà của mẹ cha thật là nhiều kỷ niệm. Rất nhiều đồ vật xưa cũ ấy là một góc không thể lãng quên.

Chiếc máy hát quay đĩa

Chiếc máy này được chị gái đầu lòng đem về sau chuyến đi học ở Nga, hiện diện trong nhà từ khi mình còn nhỏ xíu. Nó nằm trong chiếc hộp gỗ màu cánh gián óng ả, có cái cần chĩa vào chiếc đĩa đen quay quay. Thời ấy nghe toàn nhạc đỏ hoặc nhạc Nga, những bài hát kiểu như "Chiều trên bến cảng", "Triệu bông hồng", "Chiều ngoại ô Matxcơva"... thật hay và sâu lắng. Bây giờ mình cũng thích có một cái máy hát như thế đặt trong phòng ngủ, đêm đêm nghe nhạc hòa tấu, trông nó cổ kính, hoài niệm... mà không có.

Chiếc TV trong tủ gỗ

Đây là cái TV Sanyo đen trắng, nằm trong một cái tủ gỗ 4 chân, có cánh mở ra 2 bên - chiếc tủ nguyên bộ với TV chứ không phải đóng thêm. Ngày xưa chỉ buổi tối mới có truyền hình nên ban ngày thì TV nằm yên sau cánh cửa gỗ, tối mở ra như mở màn sân khấu. Tả thì nghe thi vị thế, nhưng đồ dùng ngày xưa tính nết cũng ẩm ương lắm. Cái em TV này có những hôm lên cơn thì hình chạy lên chạy xuống, hoặc có tiếng mà không có hình, lại phải đến vặn đủ thứ nút trên đó, vặn chán không được thì đập đập cho nó nhá hình loạn xả cả lên. :D

Chiếc TV này đã gắn liền với những bộ phim một thời trông ngóng như: Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống, Ma quỷ dưới bánh xe khổng lồ, Công chúa Arabella, Hãy đợi đấy, Trên từng cây số, Bạch tuộc, Hồ sơ thần chết, Tất cả các dòng sông đều chảy...

Lật đật và búp bê

Những em lật đật màu đỏ nhiều kích cỡ, đôi mắt xoe tròn và tiếng chuông trong trẻo là kỷ niệm thật ngọt ngào của tuổi thơ mình. Ngoài ra còn có con búp bê tóc xanh biết ngủ và biết khóc mà đến giờ mình vẫn còn giữ, cảm giác thật đặc biệt giữa đám Barbie và búp bê Fisher Price của 2 con gái. Con gái mình cũng bảo là búp bê của mẹ xinh không thể tả.

Matryoska

Không xếp chung với các loại đồ chơi khác vì những con búp bê Matryoska đem lại sự thú vị đầy bản sắc của xứ sở bạch dương. Đến bây giờ những con búp bê gỗ có thể lồng vào nhau này vẫn được bày trong tủ kính nhà ba mẹ để lưu giữ kỷ niệm của một thời quá khứ.

Chiếc xe đạp Mifa

Chiếc xe đạp màu trắng bạc này do cậu H. em mẹ đem từ Đức về tặng gia đình, hồi đó là tài sản quý. Xe đẹp, đi lại sướng, có đủ chuông và đèn, nhưng ưu tiên lắm mới được dùng, còn thì vẫn "trường kỳ kháng chiến" với mấy em ngựa sắt cũ mèm tuột sên như cơm bữa. Tiếc là sau này nó bị trộm lấy mất khi dựng trước sân nhà.

Những cuốn sách của thời thơ ấu

Có thể nói đây là cả gia tài của tuổi thơ mình!

Rất nhiều cuốn sách bây giờ đã được tái bản và hiện diện trên tủ sách của con gái mình, nhưng mình vẫn nhớ lắm những trang văn đẹp đẽ giàu trí tưởng tượng và đầy nhân bản, đặc biệt là những cuốn sách của NXB Cầu Vồng được in trên giấy trắng tinh, bìa cứng, hình ảnh tươi vui sống động và ngôn từ trong sáng. Đây là những cuốn sách - tình yêu một thời của mình:
  • Những dấu vết còn lại
  • Trên sa mạc và trong rừng thẳm
  • Những cuộc phiêu lưu của Tom Soyer
  • Cánh buồm đỏ thắm
  • Chó hoang Đin-gô
  • Hãy để ngày ấy lụi tàn
  • Không gia đình
  • Những tấm lòng cao cả
  • Ông già Khốt-ta-bít
  • Cây phong non trùm khăn đỏ
  • Cuộc phiêu lưu của Carich và Valia
  • Cậu bé kỳ quặc lớp 6B
  • Theo lệnh cá măng
  • Kiến và chim bồ câu
  • Bác sĩ Ai-bô-lit
  • Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Buratino
  • Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn
  • Con Bim trắng tai đen
  • Hành trình thời thơ ấu
  • Cuộc phiêu lưu của cáo Rơna
  • Tuổi mười bảy
  • Totochan - cô bé bên cửa sổ
  • Đất rừng phương Nam
  • Truyện cổ Andersen
  • Truyện cổ Grim
  • Búp sen xanh
  • Bác Phi-ô-đo, con chó và con mèo
  • Các tập truyện ngắn của Paustovsky
  • Nghìn lẻ một đêm
  • Thần thoại Hy Lạp
  • Đi tìm thuyền trưởng Grant
  • Đảo giấu vàng
  • Robinson Cruso
  • Dế mèn phiêu lưu ký
  • Olive Twist
và ...

Ngày ấy cũng đọc cả sách văn học của người lớn: Tập truyện ngắn Puskin, Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Đồi gió hú, Mùa tôm, Thời xa vắng, Con hủi, Hoa tulip đen, Ruồi trâu, Bố già, Quo Vadis, Hồng Lâu Mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Bố già, Đèn không hắt bóng, Bản du ca cuối cùng...

Những trang sách ấy luôn là kỷ niệm hòa lẫn sự tiếc nuối vì đã không còn giữ được vẹn nguyên, nhưng những câu chữ ấy đã đi suốt tuổi thơ mình cho đến tận bây giờ, để mỗi lần nghĩ đến, lại thấy lòng đầy cảm xúc: "Nhật ký tuổi thơ khép lại, nhớ thương nhiều - Lật trang sách của một thời bão nổi - Em soi cuộc đời mình trong ánh mắt tình yêu" (trích "Những ngôi sao 18" - Ngọc Lan).

13 comments:

  1. Chị ơi, em Nghintt nè, chị biết chỗ nào đóng tủ sách cánh kính sơn trắng làm chất lượng và nhanh gọn ko? Em đang muốn đóng 1 cái để trữ sách "cổ" 1 thời đây, từ hồi dọn nhà tới giờ các em í vẫn nguyên trong thùng carton. Em thích cảm giác hằng ngày đi ngang tủ sách ngắm các tác phẩm ngày xưa, dù bìa bong giấy vàng nhưng vẫn thích. Nhà em ngày xưa có đủ các em chị kể ở trên, duy nhất không có là máy hát quay đĩa.

    ReplyDelete
  2. Cái đó thấy ai làm mộc uy tín thì mình đặt theo yêu cầu thôi em, chứ chị cũng không rành. Nhà chị nhỏ sách bày không hết dù cũng đã huy động đến 5 tủ sách các thể loại, nên một số vẫn phải bỏ thùng carton. Người ta bảo giải phóng bớt đi mà sao chị vẫn tiếc quá chừng, mặc dù các đồ vật cũ thường thì chị bỏ đi không thương tiếc. Mấy cuốn sách của một thời thật nhiều kỷ niệm em nhỉ. Cuốn sách Ông già Khốt-ta-bít của chị ngày xưa do NXB Cầu Vồng in, giấy trắng bìa cứng, đến giờ chị vẫn giữ, con gái thích lắm. Nhưng cũng có cuốn giấy vàng khè đọc muốn mờ con mắt luôn, hihi.

    ReplyDelete
  3. Chắc trẻ con bây giờ ko biết đến cái ti vi bị chạy hình, lúc đấy ra đập phát thì nó có thể dừng lại hoặc vẫn chạy tiếp đâu chị nhỉ :)

    ReplyDelete
  4. Coi bộ cũng nhiều người đã từng trải nghiệm cái TV "đập đập" quá hen. Con nít bây giờ toàn xài TV xịn, màn hình phẳng, làm sao hình dung được cái TV có hình chạy lên chạy xuống hoặc màn hình co lại còn 1 đường ngang ở giữa. :D Hôm nọ chị kể Anh Thi nghe chuyện cái toilet ngày xưa mà ẻm cười quá trời.

    ReplyDelete
  5. Chị mê đọc sách thế thảo nào mà chị viết văn hay quá.

    Nhà em cũng có cái máy hát, thời đấy nghèo quá không có máy ảnh chụp lại mấy thứ đồ dùng này nhỉ, hihi.

    ReplyDelete
  6. Bữa nào viết tiếp mấy chuyện chơi bời của mình ngày xưa đi chị.

    ReplyDelete
  7. Bạn ơi, mình cũng ko biết bạn bằng tuổi hay hơn tuổi mình thôi cứ gọi là bạn cho dễ nhé! Mình hôm nay vô tình vào blog của bạn, thấy thích vô cùng. Bạn cho hỏi bạn mua được quyển truyện bác sỹ Aibolit ở đâu đấy? mình đã tìm rất lâu để mua lại quyển truyện này cho con trai mà ko sao tìm mua được, trong list những quyển truyện thời thơ ấu của bạn có rất nhiều truyện mình đang tìm mua lại mà ko có. Bạn có thể chỉ giúp địa chỉ được ko? Mình ở Hà Nội, mình tên Hà nhé, có gì bạn PM cho mình theo số đt: 0983670928. Cảm ơn bạn nhiều!

    ReplyDelete
  8. Sách bây giờ được tái bản rồi bạn, mình mua cho con gái trong nhà sách đó, có điều chỉ in thường, không ấn tượng bằng cuốn sách của NXB Cầu Vồng trong tuổi thơ mình.

    ReplyDelete
  9. Mình không nhớ nổi tên một quyển truyện dành cho thiếu nhi về cuộc phiêu lưu của một nhà bác học hay nghiên cứu khoa học khi bị thu nhỏ lại (chỉ nhớ có đoạn lặn dưới nước thì dùng bong bóng của những con nhện nước). Bạn nào biết cho mình xin cái tên với???

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đó chính là truyện "Cuộc phiêu lưu của Carich và Valia" mà mình có đề cập ở trên đó bạn. Ông giáo sư sinh vật học phát minh ra 1 thứ thuốc uống vào thì thu nhỏ lại và cũng có loại thuốc làm lớn ra. Có 2 đứa trẻ hàng xóm hay chơi với ông đã lén uống thứ thuốc trong phòng thí nghiệm và bị thu nhỏ lại rồi bị con chuồn chuồn tha đi, rớt xuống hồ và bị tha vào hang của con nhện nước. Ông giáo sư sau khi đoán ra sự việc cũng đã uống thuốc nhỏ lại để đi tìm 2 đứa bé. Ba bác cháu đã trải qua một cuộc phiêu lưu kỳ thú trước khi về lại nhà và lớn lại như bình thường. Truyện rất thú vị và giàu kiến thức.

      Delete