Powered by Blogger.
RSS

Chuẩn bị bữa ăn cho bé theo phương pháp BLW

Như đã nói trong các bài trước, một trong những ưu điểm của phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning là mẹ có thể tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn cho bé. Thực đơn của bé hoàn toàn có thể lấy từ thực đơn hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên, vì bé ăn nhạt nên sau khi lấy bớt khẩu phần của bé thì mới nêm nếm gia vị cho cả nhà.

Để các bạn dễ hình dung hơn, mình giới thiệu một số thực đơn gần gũi với gia đình Việt, dễ làm mà vẫn đầy đủ dưỡng chất cho bé. Một bữa ăn của bé thường bao gồm 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm và rau quả. Trong ngày cho bé tráng miệng thêm trái cây, yaourt, nước ép trái cây...

Thực đơn 1: Bánh mì, thịt bò, dưa leo, táo

Chuẩn bị: 2-3 lát bánh mì mềm nguyên vỏ (mình hay mua bánh mì Ciabatta ở Metro vì nhiều dưỡng chất và dễ ăn). Thịt bò bắp luộc hoặc hấp mềm (mình thì thường chuẩn bị riêng bằng cách lấy khoảng 5-6 lát thịt bò cùng một ít nước cho vào ly inox và hấp trong nồi cơm điện khi nấu cơm cho gia đình, nước đó dùng cho bé uống luôn). Dưa leo gọt vỏ bỏ ruột cắt thanh dài.

30ml nước thịt bò còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm vài lát táo.

Thực đơn 2: Cơm, tôm, bông cải xanh, chuối

Chuẩn bị: Cơm nấu dẻo nén trong khuôn sushi thành từng miếng nhỏ như bánh. Tôm lớn luộc hoặc hấp nguyên con rồi lột vỏ (khoảng 5 con). Bông cải xanh luộc như làm cho người lớn, để từng bông nhỏ cho bé gặm.

30ml nước tôm còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm 1/2 hoặc 1 quả chuối cau.

Thực đơn 3: Khoai tây, thịt heo, đậu cô ve, quả bơ

Chuẩn bị: 15 que khoai tây luộc mềm. 6 lát thịt nạc luộc hoặc hấp mềm. 6 que đậu dài luộc.

30ml nước thịt heo còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm vài lát trái bơ hoặc 50ml bơ nhuyễn trộn sữa.

Thực đơn 4: Mì sợi, cá viên, bí đỏ, lê

Chuẩn bị: Mì sợi luộc mềm. Nạc cá lọc bỏ xương làm chả, nắn hình viên tròn và dẹp hoặc cắt thanh dài cho bé. Bí đỏ lấy từ nồi canh người lớn trước khi nêm gia vị.

30ml nước canh còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm vài lát lê.

Thực đơn 5: Xôi gấc, thịt gà, măng tây, yaourt khô

Đây là thực đơn mà Kitty thích nhất. Mỗi lần có những thứ này là bé chén sạch sẽ.

Chuẩn bị: Xôi gấc nấu cho cả nhà ăn, lấy ra một ít nắm lại cho bé. Thịt gà luộc lấy phần ức xé sợi lớn, khi bé khéo hơn có thể đưa cả đùi gà cho bé tự xử. Măng tây luộc.

30ml nước gà luộc còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm yaourt khô  (rất ngon và bổ dưỡng). Đây là loại yaourt sấy khô của Gerber, khi cho vào miệng là nó tan ra, mình post hình bịch yaourt khô để mọi người dễ hình dung:


Thực đơn 6: Khoai lang, cua hoặc ghẹ, đậu hũ, xoài

Chuẩn bị: Khoai lang luộc cắt miếng dài. Cua hoặc ghẹ chọn phần nhiều thịt, miếng to. 3-4 miếng đậu hũ luộc.

30ml nước canh còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm vài lát xoài.

Thực đơn 7: Bánh gạo/bánh ngũ cốc, hàu, bắp bao tử, nho

Chuẩn bị: 3 cái bánh gạo hoặc ngũ cốc (loại bánh ăn dặm cho bé). 4 con hàu lớn lấy phần thịt, đem hấp. 4 quả bắp bao tử luộc.

30ml nước hàu còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm nho. Lưu ý: chọn nho lớn không hạt hoặc bỏ hết hạt, cắt đôi hoặc ba. Tuyệt đối không được để hạt và để nguyên trái tròn cho bé.

Thực đơn 8: Cơm, phi lê cá lóc, ngọn su su luộc, đu đủ

Chuẩn bị: Cơm dẻo nắm lại hoặc nén khuôn sushi, khuôn bánh nhỏ. Phi lê cá lóc cắt miếng vuông hoặc chữ nhật, chiên ít dầu. Ngọn su su luộc để nguyên sợi dài.

30ml nước canh còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm vài miếng đu đủ.

Thực đơn 9: Bánh hỏi hoặc bún, chả lươn, cà rốt, yaourt

Chuẩn bị: 4-5 miếng bánh hỏi cắt hình vuông hoặc chữ nhật (có thể thay thế bằng bún). Thịt lươn xay hoặc bằm nhuyễn làm chả viên tròn và dẹp như bánh. Cà rốt luộc mềm.

30ml nước canh/nước gà còn nóng trộn 5ml dầu em bé, để ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm 1 hũ yaourt.

Thực đơn 10: Khoai tây trứng, tỏi tây, phô mai

Chuẩn bị: Khoai tây cắt lát luộc mềm, cho vào bát trứng đã đánh tan, chiên vàng, cắt miếng tam giác. Tỏi tây lấy từ nồi canh gia đình.

30ml nước canh trộn 5ml dầu em bé, để âm ấm cho bé uống. Trong ngày cho bé ăn thêm 1 miếng phô mai (đối với bé 8 tháng trở lên).


Trên đây chỉ là một số thực đơn thông dụng, khi đã hiểu được nguyên tắc cơ bản của phương pháp ăn dặm BLW thì bạn có thể linh hoạt tạo ra cả trăm thực đơn khác nhau với nhiều kiểu kết hợp xoay quanh các nhóm: tinh bột, đạm, rau, trái cây... chủ yếu dựa theo bữa chính của gia đình. Với nhà mình thì rất đơn giản: tinh bột, rau và trái cây bé ăn theo gia đình, phần đạm (thịt, cá...) lấy riêng khẩu phần cho bé, thêm một ít nước cho vào ly inox đặt trong nồi cơm điện khi nấu cơm cho cả nhà vì món chính của người lớn thường chế biến kiểu khác và ướp từ đầu. Phần nước đó sẽ trộn thêm dầu trẻ em để cho bé uống.

Ngoài ra, nước luộc thịt gà, thịt bò... đều là những thứ nước dùng rất tốt cho bé. Khi mình luộc gà, mình thường bảo quản nước gà cho bé trong những chiếc hộp đậy kín có dung tích 30ml (đúng bằng khẩu phần một bữa cho bé), để ngăn đông và cho uống cách ngày. Hộp này là hộp chuyên dùng để bảo quản sữa mẹ cũng như thức ăn dặm cho bé.

Mình cũng nói rõ thêm BLW không phải là finger food vì khá nhiều bạn nhầm tưởng phương pháp này là ăn bốc. Khi bé mới bắt đầu tập ăn, tay bé chưa đủ khéo léo và bé thường hành xử theo bản năng, vì vậy bé bốc là đương nhiên. Bé được khoảng 8 tháng thì mẹ có thể tập cho bé sử dụng muỗng và nĩa. Cái nĩa vốn rất ít sử dụng trong ADKN thì giờ lại rất thông dụng với BLW. Bé dùng nĩa để lấy thức ăn cho vào miệng (thường là thịt hoặc các loại củ quả cắt miếng). Dưới 1 tuổi thì mình cho Kitty dùng muỗng và nĩa nhựa mềm BPA free. Khi nào bé được 1 tuổi mình sẽ cho bé dùng muỗng nĩa lớn và cứng hơn để dễ xúc đồ ăn, đầu nĩa tròn để an toàn cho bé.

Nhiều người vẫn cho rằng BLW chỉ hợp với khác bạn Tây, khó thực hiện theo thói quen của người Việt. Còn mình thì thấy BLW chỉ là một phương pháp, còn thực hiện như thế nào cho phù hợp với từng gia đình là tùy vào sự linh hoạt của mỗi người. Bé theo BLW vẫn có thể dùng các thức ăn thuần Việt. Không những thế, bé còn làm quen được với rất nhiều kiểu thức ăn thay vì cứ mãi dùng cháo với bột mỗi ngày. Chuẩn bị bữa ăn dặm cho bé không quá khó. Điều quan trọng là mẹ phải tin tưởng bé và tin tưởng quyết định của chính mình.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

34 nhận xét:

Kun said...

Ua chi Nga oi nhung mon an dam do con an dc tu hoi bat dau an dam (6 thang tro ra ha chi). Em nhin co thay co mon com i. Con an dc ca com khi bat dau an dam ha chi?

Bich Nga said...

Những món này đều áp dụng cho bé 6 tháng trở lên em à, tức là từ lúc bắt đầu ăn dặm theo phương pháp BLW. Vì con làm quen với việc ăn thô ngay từ đầu nên cơm là loại thức ăn hết sức bình thường.

Theo quan niệm truyền thống thì bé phải ăn đồ nhuyễn trước, như vậy thì thứ gì cũng nhuyễn chứ không nhất thiết phải cơm. Nhưng đó là bé được đút, nghĩa là bé phải tiếp nhận thức ăn một cách bị động. Ở BLW thì khác, bé được phép quyết định ăn hay không, và nếu bé cảm thấy không thể tiếp nhận được, bé sẽ từ chối. Khi bày cơm ra cho bé, em đừng kỳ vọng là bé sẽ ăn hết số đó. Thời gian đầu, có thể bé sẽ ném hết đi hoặc ăn vài hạt mà thôi. Việc ăn nhiều hay ăn ít, thời gian thích nghi dài bao lâu... hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của bé. Vì vậy, đừng sợ cơm hay thức ăn thô gì đó làm bé bị đau dạ dày. Ở bé luôn có một bản năng ăn kỳ diệu và bé luôn biết tự điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể của mình. Miễn là đừng có đút hay ép bé ăn. Bé tự hiểu sức mình đến đâu mà.

Bé mới tập ăn dặm kiểu BLW thì mẹ đừng đặt nặng vấn đề bé ăn được bao nhiêu. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Hãy cho bé bú trước khi ăn khoảng 1 đến 1,5 tiếng để bé không đói quá, như vậy vào bữa ăn bé sẽ ăn từ tốn hơn, biết tìm hiểu khám phá hơn. Nếu bé ăn không được nhiều thì cũng đừng lo, và dần dần bé thích nghi tốt hơn, ăn được nhiều hơn thì tự bé cũng quyết định sẽ uống sữa ít lại.

Kun said...

Chi oi cai dau em be la loai dau gi vay chi? Co phai tinh dau Oliu do khong chi?
Con em dang o thoi ky chuan bi an dam nen dang rat phan van la khong biet nen theo phuong phap nao chi ah.
Cam on chi da chia se nhe!

Bich Nga said...

Dầu em bé là dầu thực vật được chế biến riêng cho bé 6 tháng tuổi trở lên (không phải là dầu mình nấu ăn hàng ngày cho người lớn nhé), nhằm mục đích cung cấp thêm chất béo cần thiết cho bé ở tuổi tăng trưởng. Đó có thể là dầu olive, dầu mè, dầu gấc, dầu cá hồi. Hiện tại chị đang cho Kitty dùng dầu Kiddy với thành phần là dầu hạt cải + dầu cá hồi + dầu mè + dầu gạo. Mỗi tuần chị cho bé dùng dầu gấc Vio 2 lần.

Chuyện ăn dặm thì tùy em thấy phương pháp nào phù hợp với quan điểm, hoàn cảnh của em cũng như sở thích của bé thì theo thôi. Tốt nhất là chờ đến khi bé được 6 tháng tuổi em nhé.

Hương Lê said...

Chị iu ơi, nước thịt hoặc nước canh đút cho bé hay tập cho bé uống hả chị?

Bich Nga said...

Tập cho bé uống em à. Ban đầu bé cầm ly chưa thạo, dễ làm đổ lắm nên mẹ giữ ly cho bé mấp môi nhé. Từ từ bé quen sẽ điều khiển khéo hơn.

N. Vân said...

Trước khi vào blog của chị thì em không biết đến phương pháp BLW. Tập 1 em áp dụng ADKN và thất bại, dù em đã kiên trì và làm theo đúng các hướng dẫn, thực sự rất mất thời gian, nhưng bé nhà em không hợp tác. Đọc những bài viết của chị em rất thích. Em đang có bầu bé thứ 2 và em quyết định sau này sẽ cho bé ăn dặm BLW. Trước đây nghe bà giáo người Hà Lan bảo đứa cháu ngoại toàn tự bốc tự xúc đồ ăn người lớn từ hồi 6-7 tháng tuổi em còn cười thầm trong bụng rằng bọn Tây nó lười thật, giờ mới vỡ lẽ là cách ăn nó thế, chẳng qua dân mình chưa quen nên thấy lạ. Em cảm ơn tất cả những chia sẻ hữu ích của chị và xin phép chị copy các bài viết để thực hành cho con em sau này. Chúc chị một ngày mới thật vui.

Tulipan said...

uh, lúc đầu mình cũng nghĩ bon Tây nó ... ko tình cảm với con cái mấy nên thế. Hóa ra ko phải, đó là 1 phương pháp dạy cho trẻ tập ăn.

Anonymous said...

chị ui cho em hỏi tí, nêu bé ăn 3 bữa 1 ngày thì chọn 3 thực đơn khác nhau hả c, mấy tháng thì tập cho bé dùng muổng đc ạ

Bich Nga said...

Việc chuẩn bị bữa ăn BLW rất đơn giản nên em có thể đổi thực đơn từng bữa cho bé đỡ ngán. VD bữa sáng em cho bé ăn bánh ăn dặm và trái cây; bữa trưa là một ít mì sợi, rau, thịt (có thể hấp trong lò vi sóng cho nhanh); bữa chiều xem bữa ăn gia đình có gì thì lôi ra cho bé dùng. Nói chung là mình có thể linh hoạt thay đổi thực đơn tùy hoàn cảnh em à, và cũng tùy tình hình mà cho bé ăn 2 hay 3 bữa.

Chị tập cho bé dùng muỗng sớm lắm em à. Từ hồi 3 tháng thì chị cho bé cầm muỗng chơi, mục đích là để bé quen cầm nắm cho khéo, biết cách đưa muỗng vào miệng như thế nào... chứ thực ra lúc đó bé chỉ xúc không khí thôi, hehe. Khi bé 6 tháng, bắt đầu ăn dặm BLW thì chị bày đồ ăn và muỗng nĩa trên khay nhưng chị không ép bé phải dùng. Bé cảm thấy lấy tay bốc thích hơn thì bé cứ dùng tay. Chị sắp xếp để bé ăn cùng bữa với gia đình luôn, nên bốc chán ẻm thấy mọi người dùng muỗng đũa chứ không bốc như ẻm thì ẻm cũng nhặt muỗng lên khua khoắng. Nói chung là tôn trọng quyết định của bé em à. Lúc đầu bé dùng muỗng thì cũng xúc đổ lả tả nhưng bé sẽ khéo dần thôi.

Anonymous said...

Chị Nga ơi, em rất thích phương pháp này nhưng bé nhà em cầm ăn thì cắn được nhưng bé không nuốt được ói hết sữa ra. Như thế là Bé đã sẵn sàng chưa vậy? Bé nhà em được 6 tháng

Bich Nga said...

Em cho bé ăn sau khi bú bao lâu? Khi mới tập ăn, em luộc thức ăn thật mềm để bé có thể nhá bằng nướu khi chưa có răng nhé. Tốt nhất là cho bé ăn sau khi bú khoảng 1-1,5 tiếng, như thế sữa đã tiêu phần nhiều và bé cũng không quá đói đến mức phải vồ vập. Bé ăn từ tốn thì nhai kỹ hơn, ít khả năng ói hơn. Em cứ tập từ từ cho bé, nếu cảm thấy bé chưa thích ứng được thì tạm dừng vài ngày rồi cho bé tập lại. Để bé tự chọn và tự ăn chứ đừng ép bé nhé.

Thuy trang said...

Chi Nga oi, em cung ap dung blw cho be nha em. Be an kieu BLW duoc 2 tuan roi. Nhung sao be van toan nghich va mut. Be chua bi oe lan nao, va cung khong biet nhai. Neu co mieng thuc an nao vao mieng, be le ra ngay. Hoan toan khong an vao bung ti nao ca. Nhu vay co binh thuong khong chi?

Bich Nga said...

Có bé thích ứng nhanh, có bé thích ứng chậm, không sao đâu em. Bé không ăn được nhiều thì em tăng phần sữa lên thôi. Em cho bé ngồi cùng bàn ăn với người lớn để bé bắt chước nhé.

Anonymous said...

Xin phép mẹ Bích Nga mình có post các link thông tin của bạn về BLW lên wtt trong topic về ăn dặm kiểu này.

http://www.webtretho.com/forum/f80/phuong-phap-an-dam-baby-led-weaning-me-nao-cho-con-an-dam-theo-phuong-phap-nay-vao-chia-se-di-a-816418/index18.html#post21658310

Me Soda said...

Chị ơi, con em tập ăn được 2 tuần, đang trong giai đoạn nghịch nhiều hơn ăn nên em chưa áp dụng các thực đơn như chị liệt kê. Em đã cho con ăn bông cải, cải thìa, khoai lang, bí xanh - đỏ, khoai tây, carot, susu, su hào, thịt gà, đậu hũ. Mấy món này con em chán hết rồi nên bé ít hứng thú ăn hơn trước đây. Em dở nội trợ lắm, chị tư vấn cho em 1 số loại rau củ nữa mà bé thích và dễ ăn nha chị.
Với lại chị cho em hỏi thêm: các loại củ cứng như carot, su hào, củ dền thì có cách nào ninh thật mềm mà thật nhanh không chị? Có nên dùng nồi áp suất không chị nhỉ? ( vì mỗi lần nấu 1 củ dền cho mềm lâu quá chị ơi)
Chị tư vấn giúp em nhe. Thanks chị nhiều

Bich Nga said...

Có thể dùng nồi áp suất để hầm mềm, tuy nhiên không nên cho bé ăn củ dền em nhé. Thức ăn cho bé em có thể lấy ngay từ thực đơn gia đình. Ba mẹ ăn gì thì bé ăn nấy, có điều nên lấy phần bé ra trước rồi mới nêm gia vị cho cả nhà ăn.

Em lục lại bài "Thực đơn cho 2 tháng" trong blog chị nhé - đó là thực đơn người lớn nhưng cũng biến tấu ra được nhiều món cho trẻ con từ chính các nguyên liệu đó.

Me Soda said...

Oái, củ dền sao mà kg tốt cho bé vậy chị? Em tưởng củ dền bổ lắm chứ?

Anonymous said...

Con em đặc biệt thích tự ăn luôn. Nếu mẹ muốn đút thêm thì thường ngậm chứ ko hào hứng nhai. Rau thức ăn thì em cho bé tự xử đc,nhưng cơm thì em chịu. Em nắm cơm kiểu gì bé bốc lên 1 lúc cũng dính đầy hạt cơm ở tay rồi ăn 1 lúc hứng chí gãi tai gãi đầu,mặt đầy cơm,đầu tóc đầy cơm!hic. Can mãi mà vẫn dính tùm lum. Mọi người tưởng tượng đc vụ lau rửa tắm gột mớ cơm dính ấy thế nào rùi ấy.hic. Nên em toàn phải đút cơm thôi. Em định thử nén cơm vào khay hay phải cho vào khăn nắm cơm cho thành bánh đây.hic. Lích kích ghê.

Bich Nga said...

Trong bài chị có đề cập rồi mà. Đối với cơm: khi bé còn nhỏ chị hay nén trong mấy cái khuôn sushi, hay mấy khuôn tạo hình cơm đó em, thành ra giống như "cái bánh cơm" cho bé ăn vậy. Khi bé lớn hơn thì tập cho bé xúc bằng muỗng.

Fm said...

Chị ơi, bé nhà e 11 tháng, khá lười ăn. Em vẫn cho ăn theo kiểu truyền thống. Nhưng bữa ăn cùng gia đình vẫn cho bé rau củ, thịt để bé tự ăn. Nhưng bé chỉ nhai, rồi lại nhè ra hết. Giờ bắt đầu theo BLW thì có được k? C cho e vài lời khuyên nhé!

Bich Nga said...

BLW không bao giờ là quá muộn em à.

Keepsmiling said...

Chị ơi, bé nhà em chưa theo được BLW hoàn toàn, nên em vẫn đút cháo, nhưng chàng ta nhai và nuốt ngon lành (trộm vía con) các loại rau và cả thịt nữa ạ. Nhưng khi đi vệ sinh, em vẫn thấy nguyên cả những miếng rau củ mà con mới nhai sơ. Như vậy có vấn đề gì không ạ?!

HaBe said...

Mẹ chi Kitty ơi, em thấy cơm cho vào khuôn sau đó con cầm ăn thì thường bi nát ra và dính đầy tay con. Sau đó con ăn các món khác 1 chốc lại quay ra gặm gặm bàn tay đầy cơm kia :(( Em bi băn khoăn điểm đó chi giúp em với :) Tks chi nhiều!

Unknown said...

Chị ơi, con em 11 tháng, cũng có thử tập BLW nhưng con toàn vứt, dây thức ăn lung tung, và không thích ngồi ghế, cũng không biết đưa thức ăn lên miệng dù mẹ đã hướng dẫn. Chị tư vấn giúp em nên cho con ăn lúc nào? như thế nào? bao nhiêu buổi? Vì lúc này mà để bé nhịn chỉ uống sữa thì sợ bé không đủ chất nếu bé chưa biết tự ăn

Phong gấu said...

Bé nhà e cũng giống như bé nhà chị hạnh nguyên vậy. Băn khoăn quá các chị ạ

Nguyễn Thị Tuyết said...

Chị ơi e bé nhà e 6 tháng rùi chưa bít ngồi e có thể để bé tự ngồi nhờ ghế ăn dặm ko ah? Và có fai dùng bộ chế biến ADKN ko chi
Tks cj ah

Nguyễn Thị Tuyết said...

Chị ơi e bé nhà e 6 tháng rùi chưa bít ngồi e có thể để bé tự ngồi nhờ ghế ăn dặm ko ah? Và có fai dùng bộ chế biến ADKN ko chi
Tks cj ah

Unknown said...

chào chị e đc biết pp này hơi muộn 1 chút, bé nhà e 13m mới bắt đầu blw...và đến giờ bé đc 16m. kết quả e thu được là bé k còn biếng ăn nữa. Ăn trộm vía, ko còn sợ ghế ngồi ăn và k sợ bát cháo nữa. thìa bé dùng gần chuẩn, sữa chua thì bé xúc ngon lành và đang tập đũa. nhưng dạo gần đây, bé có biểu hiện ăn nhả nhớn, hay có cái thái độ ăn xong vất văng bát đi, ném thìa. ko biết là do e ko dạy con về cách cầm thìa hay là do bé nào cũng trải qua thời kì như vậy ko ạ? e cũng đang bí thực đơn khi xem qua thực đơn của chị, e ko biết bé nhà e có dùng đc ko ạ?

Unknown said...

Van de cua ban da co cach giai quyet chua, huong dan lai giup minh voi, mih cug dag cho con an BLW. thanks b nhe

Unknown said...

Tóc em sau sinh bị rụng nhiều. mỗi lần gội đầu là như ác mông, vuốt một cái là xuống 1 mớ tóc. Tóc đã thưa rồi, giờ có e bé lại càng xơ xác. Đang không biết làm sao, e được 1 chị trên web trẻ thơ chỉ xài tinh dầu bưởi. giờ e cảm nhận tóc bớt thưa đi nhiều lắm, còn dài, dày ra nữa, tóc con mọc khí thế luôn:D. Mẹ nào đang u sầu về mái tóc xưa nay còn đâu thì ghé Tinh Dầu Bưởi 24H. sản phẩm ở đây tốt cực luôn ý ạ. e đặt được 3 chai rồi, xài gần hết luôn rồi:)

Unknown said...

minh muon theo doi face va blog cua ban thi lam sao ban ha

Doanh Doanh said...



eva air booking
may bay eva di my
vé máy bay hãng korean air
mua vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich




Loa hộp said...

Bữa ăn đủ chất là rất quan trọng cho các bé

Post a Comment