Powered by Blogger.
RSS

Thương nhớ ngô đồng

Con đi xa mười năm rồi mẹ nhỉ?
Mười mùa hoa thao thức đợi vầng trăng
Nhớ khoảng trời hồng tím đến bâng khuâng
Ngô đồng khóc, lá bay hình giọt lệ…

Con vẫn nhớ nồng nàn mùa hoa Huế
Ngày tháng tư khi nắng sớm vừa sang
Ngày cuối xuân, gió lộng với mây ngàn
Tan trong phố bởi sắc hồng xao xuyến.

Ngô đồng ơi, thuở xưa ta hò hẹn
Giấc mơ chiều tím biếc tuổi hoa niên
Tóc ai bay che khuất nụ cười hiền
Giấu ánh mắt đong đầy màu xa vắng.

Ai đã xa một miền hoa thầm lặng
Càng rưng rưng thương nhớ dáng ngô đồng
Lá thu chiều xao xác giữa mênh mông
Xòe tay hứng những trái tim thành phố.

Con đi xa mười năm rồi mẹ nhỉ
Vẫn nặng lòng vương vấn sắc hoa xưa…
Tôi viết bài thơ này khi một người bạn nhắn rằng ngô đồng ở Huế đã bắt đầu một mùa hoa nở.

Ai đã từng đi qua tuổi học trò ở Huế mà không một lần ngắm ngô đồng và nhặt cánh hoa rơi trong công viên Tứ Tượng bên dòng sông Hương? Đường Lê Lợi là “con đường áo trắng”, học sinh, sinh viên từ các giảng đường Đại học Sư Phạm, Đại học Khoa học, cả những ngôi trường nổi tiếng như Quốc học, Hai Bà Trưng (trước đây là trường nữ sinh Đồng Khánh) có thể tạt ngang góc công viên vào giờ nghỉ hay những buổi tan trường để thưởng thức khoảng trời hồng bên sông mỗi mùa hoa ngô đồng nở. Màu hoa bâng khuâng, khắc khoải như hoài cổ nhưng lại mang phong thái kiêu sa. Hoa tỏa mùi hương dìu dịu thơm ngát bàn tay, vương trên tóc một ngày hanh nắng.

Hoa ngô đồng Huế - ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

Không nơi đâu trên đất nước này có những cây ngô đồng đẹp như ở Huế. Ngày xưa vua Minh Mạng quá mê ngô đồng mà cho đem cây này từ Quảng Đông (Trung Quốc) về trồng ở điện Cần Chánh. Ngô đồng kể từ đó thổi vào cố đô chút hồn suy tư trầm mặc của sắc vàng mỗi mùa lá rụng lẫn sắc hồng phớt tím của hoa mỗi độ xuân tàn. Thân ngô đồng thẳng đứng tượng trưng cho khí tiết thanh cao, và khi cây nở hoa, cả đất trời chìm trong hư ảo với màu hồng tím bâng khuâng, vừa dịu dàng vừa lộng lẫy – lột tả được vẻ đẹp tao nhã quý phái của đất kinh kỳ.

Ngày xưa, ngô đồng là loài cây dành riêng cho bậc đế vương, chỉ được trồng ở cung điện và các nhà quyền quý. Bây giờ đến Huế, du khách vẫn bắt gặp ngô đồng ở Đại Nội, lăng vua, bên hồ Tịnh Tâm, trong công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương, ở các chân cầu Phú Xuân, Tràng Tiền… Nghe đâu Công ty Công viên Cây xanh Huế đã cho nhân giống 150 cây ngô đồng để trả lại cho thành phố những không gian huyền thoại.

Ngô đồng là loài cây để lại nhiều vương vấn trong lòng thi nhân mặc khách. Đỗ Phủ trong những ngày lang thang bên sông Hoàng Hà, quá say mê vẻ đẹp của ngô đồng mà viết:

“Hương đạo trắc dư anh vũ lạp
Bích Ngô thê lão phượng hoàng chi”

Vua Thiệu Trị thì mê ngô đồng mà hóa thân làm thi sĩ và cho khắc lên bia mộ mình câu thơ về loài hoa cao quý này:

“Ly biên tam kính cúc
Dạ bán nhất thanh ngô”

Thì ra người đã khuất mà vẫn còn vang tiếng lá ngô đồng rơi ngoài hiên vắng.

Còn tôi – từ thuở ấu thơ đã thấy rợn ngợp trước sắc thu buồn xao xuyến qua câu thơ của Bích Khê:

“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.”

Lá ngô đồng có hình trái tim hay giọt lệ - những trái tim biết bay, những giọt lệ xoay xoay trong buổi chiều đầy gió khiến ai bắt gặp đều không khỏi thấy lòng bâng khuâng. Lá vàng mấy tháng liền rồi rụng hẳn vào cuối mùa đông. Sang xuân cây mới nở hoa, từ xa nhìn lại là cả một vòm sáng thanh tao giữa đất trời, như làn mây hồng pha sắc tím trùm lên thành phố. Những buổi sáng ban mai khi sương còn ướt lá, hoa ngô đồng càng thêm huyền ảo, lung linh.

Thời tôi còn bé, ở công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương có một cây ngô đồng đại thụ, mỗi dịp tháng tư về là xao xuyến một trời hoa, lẫn trong sắc nắng còn non của ngày cuối xuân chớm hạ, trong sắc xanh của bầu trời cao lồng lộng phủ xuống dòng sông, vừa hồng bâng khuâng, vừa tím đến cồn cào nỗi nhớ, đẹp như những hàng đỗ mai vẫn nở hồng mỗi độ xuân sang trong sân trường Quốc Học mà sau này tôi vẫn mê say. Nhiều người dân cho biết họ đã từng thấy chim phượng hoàng bay về đậu trên cây ngô đồng này nhiều năm. Huyền thoại xưa kể rằng loài chim quý này chỉ chọn cây ngô đồng mà đậu cho dù đường dài mỏi cánh. Tiếc thay, cơn bão lớn năm 1985 đã làm đổ mất cây ngô đồng này, để lại không ít hụt hẫng trong lòng người dân xứ Huế. Rồi cũng ở một góc công viên Tứ Tượng, cây ngô đồng con giờ đã lớn lên và nở mấy mùa hoa. Một chiếc ghế trong quán cà phê Sơn trên đường Lê Lợi là nơi lý tưởng để cùng bè bạn thả hồn theo tiếng nhạc và chiêm ngưỡng hoa ngô đồng với một phong vị rất “Đường thi”.

Bây giờ, cây ngô đồng đẹp nhất là cây trồng ở điện Thái Hòa. Du khách từ xa đến thăm cung điện đúng vào mùa ngô đồng nở không khỏi xuýt xoa trước vẻ đẹp cao sang ấy. Còn giới học sinh, sinh viên vẫn thường hay ngắm ngô đồng bên sông Hương mà thôi.

Rồi một chiều giữa đất Sài Gòn, tình cờ đọc entry của một người đồng nghiệp có nhắc đến cây ngô đồng, lại thấy lòng xao xuyến nhớ loài hoa đẹp quý phái và trầm mặc như một biểu tượng của đất kinh kỳ. Đã sống bao năm ở Huế, đã quay trở lại bao lần, đã từng đi qua những mùa ngô đồng nở, đẹp dịu dàng trong những ngày cuối xuân, mà sao chẳng chụp lại tấm ảnh nào – không hiểu do vô tình hay lãng quên? Tự nhủ lòng mình hẹn một ngày về săn ảnh ngô đồng mùa ra hoa và rụng lá.

Thương nhớ lắm, ngô đồng ơi.

8.2008

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

8 nhận xét:

kittymum80 said...

Những bài cảm xúc trong blog của chị sao lúc nào cũng thật nồng nàn.

Em chưa bao giờ thấy hoa ngô đồng này cả. Mùa xuân hoa nở phải không chị? Em đến Huế vào dịp Tết thì có được xem hoa không?

Bich Nga said...

Hoa ngô đồng nở vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 em à (cũng có năm sớm hay muộn hơn chút đỉnh) và mùa hoa chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng. Nếu em đến Huế vào dịp Tết thì ngô đồng chưa nở đâu, nhưng khoảng thời gian đó thì điệp anh đào trong sân trường Quốc Học nở hồng cả khung trời trông cũng rất đẹp và lãng mạn.

Alex said...
This comment has been removed by the author.
Alex said...

Em chào chị, bài thơ về câu ngô đồng hay quá, em rất thích, em xin phép đang bài thơ của chị lên www.facebook.com/HueSg Cám ơn chị, chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc.

Anonymous said...

Cho mình hỏi ở trong Nam, Bình Dương có thể trồng cây này được không? Và có thể tìm giống ở đâu được? Cám ơn bạn nhiều. Chúc vui.

Bich Nga said...

Mình không rõ khí hậu trong Nam có phù hợp không và lấy giống ở đâu. Hiện tại ở VN chỉ có Huế trồng cây này thôi và nó thuộc giống cây gỗ lớn.

Báo giá dàn âm thanh hội trường said...

quá hấp dẫn

Loa cho hội trường said...

bài thơ rất hay

Post a Comment